Ung thư niệu đạo: Căn nguyên, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Ung thư niệu đạo là một bệnh lý khá hiếm gặp, vì vậy mà không nhiều người biết về nó. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những mối nguy hại mà ung thư mang tới cho sức khoẻ và tính mạng của người bệnh. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin về nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục ung thư đường niệu, các chuyên gia sẽ chia sẻ chi tiết trong bài viết sau đây.
Khám phá về khái niệm – Phân loại ung thư ở niệu đạo
Ung thư niệu đạo là bệnh như thế nào, đó chính là tình trạng các tế bào ung thư ác tính hình thành nên khối trong mô niệu đạo, một bộ phận hình ống mà qua đó nước tiểu chảy từ các cơ quan lưu trữ và bàng quang ra khỏi cơ thể.
Nam giới có niệu đạo dài trung bình 20cm, đi qua tuyến tiền liệt và dương vật, cửa ra ở đầu dương vật, trong khi ở phái nữ, niệu đạo chỉ dài khoảng 4cm và mở ra ngoài ngay trên cửa âm đạo. Chính vì vậy, ung thư ở bộ phận sẽ ảnh hưởng tới nữ giới nhiều hơn là nam giới.
Có 3 loại ung thư chủ yếu bắt nguồn từ các tế bào dòng niệu đạo, được đặt tên như sau:
- Ung thư tế bào biểu mô lát tầng niệu đạo là phổ biến nhất, được hình thành từ tế bào phần niệu đạo gần bàng quang ở nữ và trong niêm mạc niệu đạo dương vật ở nam giới
- Ung thư tế bào biểu mô chuyển tiếp ở khu vực gần cửa vào niệu đạo ở nữ, và vùng niệu đạo đi qua tiền liệt tuyến ở nam.
- Ung thư biểu mô tuyến niệu đạo có thể xảy ra ở cả hai giới.
Ung thư tại niệu đạo phát sinh do những nguyên nhân nào?
Bệnh ung thư niệu đạo có thể xảy ra với mọi đối tượng ở bất cứ giới tính nào, tuy nhiên một số trường hợp có xác suất mắc bệnh cao hơn bình thường, cụ thể như:
- Người cao tuổi, nhất là từ 60 tuổi trở lên;
- Phụ nữ da trắng;
- Từng điều trị ung thư bàng quang hoặc niệu đạo;
- Nhiễm virus HPV;
- Mắc bệnh hẹp niệu đạo;
- Từng đặt ống thông tiểu dài hạn để dẫn lưu bàng quang qua niệu đạo;
- Có điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng mãn tính phát sinh như các bệnh lây qua đường tình dục, viêm đường tiết niệu.
Đâu là cách để phát hiện ung thư niệu đạo?
Các triệu chứng liên quan đến ung thư niệu đạo khó phát hiện trong giai đoạn đầu, phải đến khi tế bào ung thư đã phát triển, người bệnh mới cảm nhận thấy khối u hoặc niệu đạo tăng kích thước bất thường.
Nếu khối u lớn sẽ làm thu hẹp niệu đạo, dẫn đến hiện tượng đi tiểu nhiều, khó tiểu do dòng chảy yếu hoặc bị gián đoạn, có thể kèm theo đau vùng sinh dục và tiểu ra máu. Tuy nhiên, các dấu hiệu này vẫn khiến nhiều người nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiết niệu khác, vì vậy mà sinh ra tâm lý chủ quan, bỏ lỡ thời điểm tốt để chữa ung thư.
Tốt hơn hết, bạn nên đi khám sức khỏe để được kiểm tra thể chất toàn diện, từ đó giúp chẩn đoán chính xác. Các bước thăm khám tầm soát ung thư ở niệu đạo có thể bao gồm các hình thức sau:
- Khám lâm sàng
Bác sĩ hỏi người bệnh về những dấu hiệu bất thường đang gặp phải, cũng như tìm hiểu các thói quen và tiền sử bệnh tật, điều trị bằng cách nào trong quá khứ.
- Xét nghiệm
Bác sĩ tiến hành thu thập mẫu mô, máu, nước tiểu để đem đi xét nghiệm, với mục đích phân tích chức năng của các bộ phận liên quan và tìm kiếm tế bào ung thư.
- Khám trực tràng
Thực hiện thăm khám ống trực tràng bằng tay hoặc máy nhằm kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường gì của khối u hay không. Ngoài ra, việc này cũng có mục đích kiểm tra tình trạng của tuyến tiền liệt.
- Kiểm tra vùng chậu
Đối với nữ giới, bác sĩ tiến hành thăm khám các bộ phận thuộc vùng chậu như âm đạo, tử cung, vòi trứng, buồng trứng để rà soát sự hiện diện của khối u hoặc tình trạng bất thường khác, đồng thời để lấy mẫu mô xét nghiệm.
- Soi bàng quang, niệu quản
Một ống nội soi dài và mảnh được luồn từ niệu đạo vào bàng quang, niệu quản hoặc thận để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Mẫu mô có thể được đem đi làm sinh thiết.
- Sinh thiết
Sau khi tiến hành thu nhập các mô tế bào từ niệu đạo, bàng quang và đôi khi cả tuyến tiền liệt, bác sĩ gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu cho thấy có ung thư ác tính.
Các phương pháp điều trị ung thư tại niệu đạo cho tiên lượng tốt
Khi được chẩn đoán đã mắc ung thư niệu đạo, có một số lựa chọn điều trị cho từng người bệnh, được chia thành các loại dưới đây:
- Phẫu thuật
Đối với khối u đã xâm lấn vào các mô xung quanh, phẫu thuật luồn ống nội soi vào niệu đạo và đốt điện để loại bỏ khối u có thể được thực hiện. Một số người có thể cần phải cắt bỏ các vùng bị ảnh hưởng, như một phần hoặc toàn bộ dương vật.
Nếu u di căn vào các mô cương của dương vật, có thể nam giới sẽ phải cắt đi toàn bộ “cậu nhỏ”, sau đó bác sĩ sẽ tạo một lỗ nhỏ ở mặt dưới của bìu để giúp người bệnh đi tiểu.
Trong trường hợp khối u có liên quan đến niệu đạo sau, nơi kết nối với bàng quang và tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật bỏ đi một phần khung xương chậu và dương vật. Khi ấy, một phần của ruột sẽ được sử dụng để tạo ra một túi phụ chứa nước bài tiết từ thận. Việc thực hiện phẫu thuật còn phụ thuộc vào điều kiện sức khoẻ, nguyện vọng cá nhân của người bệnh.
Ở các bệnh nhân nữ, hình thức phẫu thuật khối u đồng thời loại bỏ niệu đạo, bàng quang và một phần âm đạo có thể được yêu cầu thực hiện. Do cấu trúc ngắn của niệu đạo nữ giới, rất hiếm khi có trường hợp khối u nhỏ và đủ xa cơ thắt niệu đạo để việc loại bỏ ít xâm lấn và duy trì được đường tiết niệu.
Thực tế, chỉ có 1/3 phần bên ngoài của niệu đạo có thể trải qua phẫu thuật mà không làm ảnh hưởng tới cơ chế tiết dục. Chính vì lý do này, phần lớn những chị em phụ nữ được chẩn đoán có ung thư trong niệu đạo sẽ phải tiến hành cắt bỏ niệu đạo, bàng quang và bán phần âm đạo, đồng thời bác sĩ tạo ra một túi phụ từ mô ruột để làm nơi hỗ trợ thận bài tiết nước tiểu.
- Xạ trị
Xạ trị có thể được tiến hành độc lập hoặc kết hợp cùng phẫu thuật hoặc hoá trị, đó là việc phá hủy tế bào ác tinh với bức xạ năng lượng cao. Mặc dù cách này cho phép người bệnh bảo toàn niệu đạo và các cơ quan phụ cận, nguy cơ biến chứng không phải là không có.
Bức xạ có thể gây kích thích bàng quang, dẫn tới các di chứng như tiểu không tự chủ, đau đớn, chảy máu trực tràng, âm đạo, hoặc tắc nghẽn, hẹp niệu đạo.
- Hóa trị
Việc sử dụng thuốc và hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư dành cho trường hợp ung thư đã vượt ra niệu đạo và di căn. Hình thức này thường được áp dụng trước phẫu thuật hoặc xạ trị hoặc sau khi tiêu diệt các tế bào bên ngoài khu vực cần phẫu thuật.
Lựa chọn thuốc để hoá trị phụ thuộc vào nguy cơ di căn, mức độ di căn và phân loại khối u. Người bệnh được theo dõi nghiêm ngặt trong và sau khi hoá trị để ngăn ngừa các tác dụng phụ nguy hiểm.
Trên đây là những điều cần biết về ung thư niệu đạo, hy vọng bài viết có thể giúp bạn có thêm kiến thức để bảo vệ sức khoẻ. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào đối với vấn đề này, bạn đọc vui lòng liên hệ tới hotline 0243.9656.999.
Lưu ý: Nếu chưa có điều kiện thăm khám người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ qua tổng đài 24/7. Các trường hợp đã có chỉ định phẫu thuật và có nhu cầu phẫu thuật với bác sĩ giỏi, chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ để người bệnh được điều trị theo đúng mong muốn. Đội ngũ bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện công uy tín, có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.