Rối Loạn Kinh Nguyệt Tuổi Dậy Thì – Có Thể Bạn Chưa Biết!
Rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì là tình trạng thường gặp ở nữ giới khi vừa bắt đầu bước vào độ tuổi sinh sản. Lúc này các cơ quan đảm nhiệm chức năng sinh sản mới bắt đầu hoàn thiện và phát triển nên việc bị rối loạn kinh nguyệt là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp bé gái bị rối loạn kinh nguyệt do nguyên nhân bệnh lý. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản sau này của bé. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm thông tin hữu ích cho bạn và người thân nhé.
Thời gian xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của nữ giới
Độ tuổi dậy thì của nữ giới từ 10 – 15 tuổi, được đánh dấu bằng sự xuất hiện của chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có thời gian xuất hiện kinh nguyệt không giống nhau, có bé đến sớm hơn, hoặc muộn hơn, phụ thuộc vào sự phát triển của cơ thể.
Tuy nhiên, nếu sau 16 tuổi mà bé gái vẫn chưa thấy xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt, các bậc phụ huynh nên nên đưa con đi thăm khám để chắc chắn rằng cơ thể trẻ đang phát triển bình thường.
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường của thiếu nữ tuổi dậy thì bắt đầu có kinh, vòng kinh thường dao động khoảng 22 – 35 ngày, trung bình là 28 – 30 ngày. Thời gian chảy máu kinh là 3 – 5 ngày, lượng máu kinh trung bình khoảng 35ml (ước tính bạn cần thay 3 – 5 lần băng vệ sinh mỗi ngày). Máu kinh có màu đỏ tươi, không đông, mùi hơi nồng không tanh.
Để theo dõi chu kỳ của bé có đều đặn hay không, các mẹ hãy dặn bé ghi lại ngày kinh đầu tiên của mỗi chu kỳ, chu kỳ của bé ghi được chính là chu kỳ thực tế của bé. Dựa trên đó mà bạn có thể cùng bé theo dõi phát hiện kịp thời nếu có rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì.
Các dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt bất thường
Những dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì, bé gái và phụ huynh nên nắm rõ cụ thể như:
- Vô kinh: Là tình trạng nữ giới không xuất hiện kinh nguyệt ít nhất 3 chu kỳ liên tiếp. Bé gái ở tuổi dậy thì thường gặp hai dạng vô kinh là: vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.
- Vô kinh nguyên phát: Tình trạng xảy ra khi bạn nữ đã quá 18 tuổi mà vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt.
- Vô kinh thứ phát: Đã có chu kỳ kinh nguyệt bình thường, nhưng đột nhiên bị mất kinh trong khoảng thời 3 – 6 chu kì liên tiếp
- Bế kinh: Là tình trạng máu kinh vẫn có nhưng màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính nên máu kinh không chảy ra ngoài
- Trễ kinh: Vòng kinh dài hơn 35 ngày.
- Sớm kinh: Vòng kinh ngắn dưới 21 ngày.
- Rong kinh: Là tình trạng hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
- Thiểu kinh: Lượng máu kinh ra rất ít, chỉ ra máu kinh 1 hoặc 2 ngày đầu là dừng hẳn.
- Cường kinh: Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường, ước tính trên 80 ml trong cả kỳ kinh, nữ giới phải thay băng liên tục có khi 1 tiếng cho 1 lần.
- Băng kinh: Máu kinh ra rất nhiều, trên 150ml trong một vài ngày gây choáng váng, mệt mỏi, có khi bị ngất xỉu.
- Thống kinh: Đau bụng nhiều trước và trong khi hành kinh, cơn đau âm ỉ kéo dài, hoặc đôi khi dữ dội.
Trường hợp đặc biệt, bé xuất hiện kinh nguyệt trước 10 tuổi, các bậc phụ huynh nên đưa bé đi khám ngay. Để có những can thiệp và khắc phục tình trạng dậy thì sớm, đảm bảo khả năng sinh sản của bé sau này.
Các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt ở bé gái tuổi dậy thì
Rối loạn kinh nguyệt độ tuổi dậy thì vốn là điều dễ hiểu do lúc này nội tiết tố chưa ổn định, tuy nhiên cũng có một số nguyên nhân bệnh lý khác gây ra tình trạng rối loạn này.
Một số nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì bao gồm:
- Cơ thể của bé phát triển mạnh mẽ: cơ thể bé gái phát triển mạnh nhưng hệ thần kinh điều khiển chu kỳ rụng trứng cũng như thể dịch không theo kịp. Điều này phần lớn là do trẻ sử dụng nhiều thực phẩm gây dậy thì sớm như: thực phẩm đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, đồ uống có ga, nước ngọt….
- Buồng trứng hoạt động chưa ổn định: Khi vừa bước vào tuổi dậy thì, buồng trứng đang hoàn thiện và phát triển nên xảy ra những tình trạng như: vòng kinh có trứng, vòng kinh không có trứng hoặc trứng rụng ít nên 2 – 3 tháng mới có kinh 1 lần.
- Đa nang buồng trứng: Là tình trạng buồng trứng có nhiều nang phát triển nhưng không chín và không có hiện tượng phóng noãn. Vì vậy trứng không thể rụng được và dẫn đến tình trạng vô kinh.
- Bất thường tuyến yên trên vỏ não và vùng dưới đồi: Đây là hệ trục thần kinh điều khiển sự sinh tiết 2 hormon estrogen và progesterone. Loại hormone này khiến niêm mạc tử cung dày lên và bong tróc gây nên hiện tượng chảy máu kinh. Tình trạng bất thường ở hệ trục này có thể khiến cho chu kỳ kinh dày hoặc thưa.
- Một số tác nhân khác: chế độ ăn uống và sinh hoạt; tâm lý căng thẳng hoặc stress đều có khả năng khiến chu kỳ của nữ giới bị rối loạn
Rối loạn kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì có nguy hiểm không?
Hoạt động của chu kỳ kinh nguyệt được điều khiển bởi hệ trục tuyến yên – vùng hạ đồi – buồng trứng, nơi thực hiện là tử cung. Được điều khiển nhịp nhàng bởi việc sinh điều tiết tăng giảm lượng hormone, từ đó điều hòa tuần hoàn chu kỳ kinh nguyệt 1 tháng lặp lại 1 lần.
Ở độ tuổi dậy thì, các cơ quan sinh dục của nữ giới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên các hoạt động điều hòa dễ bị rối loạn. Đây là nguyên nhân chính gây nên rối loạn kinh nguyệt, không ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nữ giới. Chỉ cần 1 -2 năm các cơ quan sinh dục hoàn thiện và hoạt động ổn định, chu kỳ kinh nguyệt sẽ đều đặn, bình thường.
Tuy nhiên, nếu rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì kéo dài mà không tìm ra nguyên nhân để có biện pháp can thiệp, có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản sau này của phụ nữ.
Thông thường thì những trường hợp này, rối loạn kinh nguyệt có liên quan đến một số bệnh lý như: lạc nội mạc tử cung, bệnh tuyến giáp, đa nang buồng trứng,… như phân tích ở trên. Lúc này các bậc phụ huynh nên sớm đưa bé đi thăm khám sức khỏe phụ khoa để đảm bảo an toàn sức khỏe và khả năng sinh snar của bé.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ?
Chắc hẳn việc con gái gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ khiến các mẹ lo lắng, bối rối. Đây cũng là tâm lý dễ hiểu cho các mẹ, để an toàn cho bé và yên tâm cho mẹ, các bác sĩ cũng khuyên các bậc phụ huynh nên đưa bé đi thăm khám sức khỏe, tầm soát các bệnh lý phụ khoa.
Nếu trẻ không có kinh hơn 3 tháng, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.
Nếu trẻ vẫn có kinh trong thời gian 3 tháng, vậy bạn không cần phải quá lo lắng, nhưng hãy lưu ý theo dõi các chu kỳ tiếp theo của bé, để đảm bảo sự ổn định thực sự. Tuy nhiên nếu chưa yên tâm, bạn có thể đến gặp bác sĩ để hỏi thêm.
Bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì nên làm gì?
Khi mới bước vào tuổi dậy thì và bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt, cá mẹ nên dạy bé cách chăm sóc và giữ vệ sinh vùng kín đúng cách. Hạn chế tình trạng viêm nhiễm hoặc các bệnh phụ khoa khác xảy ra.
Một số lời khuyên sau đây có thể giúp tránh tình trạng kinh nguyệt thất thường ở tuổi dậy thì:
- Hàng ngày vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách. Không thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo;
- Giữ vùng kín luôn khô ráo, thoáng mát;
- Thay quần lót 1 – 2 lần/ ngày. Lựa chọn loại quần lót phù hợp kích cỡ;
- Trong các ngày nguyệt san, cần thay băng vệ sinh mỗi 4 – 6 tiếng. Không lạm dụng loại băng vệ sinh hàng ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Uống đủ nước.
- Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vừa sức, tránh tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài
Trong trường hợp các mẹ chưa yên tâm về việc rối loạn kinh nguyệt của bé, hoặc nhận thấy những dấu hiệu bất thường, bạn nên đưa bé đi khám sức khỏe phụ khoa. Các bác sĩ sẽ ưu tiên biện pháp điều trị không can thiệp, tuy nhiên nếu bé mắc một số bệnh lý tổn thương thực thể vùng tử cung – buồng trứng, hay các dị tật vùng cơ quan sinh sản, thì bác sĩ sẽ kiến nghị sử dụng phương pháp ngoại khoa can thiệp.
Bài viết trên đây đã tổng hợp những thông tin cần thiết nhất về rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì. Hi vọng có thể giúp các bậc phụ huynh và các bé gái hiểu rõ hơn rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì và đánh giá được mức độ nguy hiểm của bệnh, sớm tìm ra phương pháp giải quyết phù hợp nhất. Nếu bạn đọc còn bất cứ thắc mắc gì về các vấn đề sức khỏe hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Nếu chưa có điều kiện thăm khám người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ qua tổng đài 24/7. Các trường hợp đã có chỉ định phẫu thuật và có nhu cầu phẫu thuật với bác sĩ giỏi, chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ để người bệnh được điều trị theo đúng mong muốn. Đội ngũ bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện công uy tín, có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.