Rối Loạn Chu Kỳ Kinh Nguyệt – Thông Tin Đầy Đủ Từ A – Z Bạn Nên Biết
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là tình trạng tương đối phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Chu kỳ kinh nguyệt được coi như thước đo khả năng sinh sản của phụ nữ. Vì thế những biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản, thậm chí gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe nữ giới.
Do đó quý bạn đọc hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về chu kỳ kinh nguyệt để giúp mình và bạn bè người thân.
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt được điều khiển bởi hệ trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng, điều tiết hormon hình thành hiện tượng phóng noãn (rụng trứng) và hiện tượng kinh nguyệt.
Một chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng là 28 ngày, thông thường dao động khoảng 28 – 32 ngày. Thời gian hành kinh kéo dài từ 3 – 5 ngày, lượng máu kinh mất đi khoảng 35 – 80ml.
Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường về chu kỳ kinh nguyệt như: số ngày có kinh, số ngày tuần hoàn chu kỳ, lượng máu kinh, tính chất máu kinh… Rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của một bệnh lý phụ khoa nào đó. Hoặc đơn thuần chỉ là thay đổi đột ngột thói quen, điều kiện sống.
Rối loạn kinh nguyệt còn thường gặp ở các đối tượng:
- Nữ giới trong độ tuổi dậy thì
- Phụ nữ sau sinh và cho con bú
- Phụ nữ tiền mãn kinh đến mãn kinh
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt dù do nguyên nhân gì gây ra thì nó đều đang cảnh báo về khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của chị em gặp vấn đề. Nếu không điều trị nguy cơ cao chị em sẽ phải đối mặt với vô sinh – hiếm muộn.
Những dấu hiệu điển hình của rối loạn chu kỳ kinh nguyệt
Những biểu hiện trong rối loạn kinh nguyệt chị em cần lưu ý cụ thể như:
Bất thường về chu kỳ kinh: là những bất thường về chu kỳ tuần hoàn lặp lại hàng tháng.
- Trễ kinh (chậm kinh): Vòng kinh trên 35 ngày
- Sớm kinh: Vòng kinh ngắn dưới 22 ngày
- Vô kinh: Nếu 3 – 6 chu kì liên tiếp không thấy xuất hiện kinh nguyệt
Bất thường về máu kinh: Là những bất thường về số ngày chảy máu kinh và lượng máu mất
- Cường kinh (băng kinh): Lượng máu kinh > 100ml. Bạn thường xuyên phải thay băng vệ sinh khoảng 1 tiếng/ 1 lần vì lượng máu chảy ra quá nhiều.
- Thiểu kinh: Lượng kinh < 20ml. Lượng máu kinh quá ít, ra từng tí một trong một hoặc 2 ngày đầu và hết sạch.
- Rong kinh: số ngày chảy máu kinh lớn hơn 7 ngày, có thể kéo dài đến 15 ngày.
Bất thường về tính chất máu kinh
- Thường là máu đỏ thẫm, có mùi hơi tanh, không đông, nếu máu kinh có lẫn máu cục hoặc máu đỏ tươi hay hồng nhạt là bất thường.
- Ngoài ra còn một số triệu chứng đi kèm trước và trong chu kỳ kinh nguyệt bạn thường gặp phải như: đau bụng dưới, đau quặn (thống kinh), đau đầu, đau vùng thắt lưng…
- Bên cạnh đó, gần đến kỳ kinh nữ giới sẽ cảm thấy tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động, ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động.
[ Cảnh báo ] Rối loạn kinh nguyệt có thể gây vô sinh?
Vì sao nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt
Tình trạng chu kỳ kinh nguyệt bất thường xảy ra ở rất nhiều chị em phụ nữ và không nhất định chỉ do một nguyên nhân gây ra. Để chẩn đoán chính xác nhất những nguyên nhân gây bệnh, chị em nên đi kiểm tra, thăm khám sức khỏe phụ khoa. Từ đó sẽ có kết luận chính xác nhất và đưa ra được phương án điều trị hiệu quả.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây khiến nữ giới gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt như:
1. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt do cơ năng thay đổi nội tiết
- Mất cân bằng nội tiết: Phụ nữ thường sẽ trải qua 3 giai đoạn khiến cơ thể bị thay đổi đột ngột là bước sang tuổi dậy thì, thời gian mang thai và cho con bú, tiền mãn kinh đến mãn kinh. Tại những mốc thời gian này, cơ thể thay đổi sẽ kèm theo sự mất cân bằng nội tiết tố với biểu hiện là chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Tăng hoặc giảm cân đột ngột: những biến động trong cân nặng sẽ làm nhiễu loạn sự điều tiết hormone nội tiết, từ đó dẫn đến những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Theo thống kê, hầu hết những phụ nữ ép cân, giảm cân đều có chu kỳ kinh nguyệt không đều.
- Rối loạn ăn uống: Dinh dưỡng được cung cấp vào cơ thể để duy trì hoạt động sống của nó. Tuy nhiên nếu dung nạp những chất có hại sẽ khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng các hoạt động bình thường bị rối loạn, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt.
Một số thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như chu kỳ kinh nguyệt như: đồ uống có cồn, đồ uống có ga, thực phẩm đông lạnh, đồ đóng gói sẵn…
- Căng thẳng kéo dài: Điều này khiến tuyến thượng thận tiết ra hormone cortisol – Ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh tiết các nội tiết tố nữ estrogen và progesterone. Sự ảnh hưởng của các loại hormone này sẽ là nguy cơ gây ra rối loạn nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ và ảnh hưởng đến kinh nguyệt.
- Vận động quá sức: Tập thể dục, lao động nặng quá sức, trong thời gian dài liên tục sẽ khiến cơ thể chịu áp lực gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều. Vì thế mà hầu hết các vận động viên, người lao động chân tay nặng nhọc thường xuyên phải đối mặt với vấn đề rối loạn kinh nguyệt.
- Lạm dụng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai bản chất là hormone, khi lạm dụng thuốc tránh thai nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp rất dễ dàng gây ra hiện tượng rối loạn kinh nguyệt
2. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt do bệnh lý
- Hội chứng buồng trứng đa nang: là tình trạng buồng trứng có nhiều nang cạnh tranh nhau phát triển, khiến nang trứng không đạt độ trưởng thành. Do đó không xảy ra hiện tượng phóng noãn đồng nghĩa không có chu kỳ kinh nguyệt. Khi đi siêu âm, nữ giới sẽ nhìn thấy buồng trứng to bất thường.
- Suy buồng trứng sớm: Là tình trạng buồng trứng mất chức năng trước tuổi 40. Nữ giới mắc chứng suy buồng trứng sớm có thể có kinh nguyệt không đều hoặc không thường xuyên trong nhiều năm.
- Bệnh viêm vùng chậu: Tình trạng nhiễm trùng ở các cơ quan sinh sản gây chảy máu kinh nguyệt không đều
- U xơ tử cung: U xơ tử cung là các khối u lành tính tăng sinh phát triển to trong tử cung, ảnh hưởng đến chức năng tử cung dẫn đến tình trạng kinh nguyệt quá nhiều và kéo dài.
- Ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung: Là mức độ nguy hiểm nhất của tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Hiện nay số ca tử vong do ung thư cổ tử cung đang có tỉ lệ cao nhất.
Rối loạn kinh nguyệt nguy hiểm như thế nào?
Liệu rối loạn chu kỳ kinh nguyệt có phải chỉ đơn giản là những rối loạn nội tiết, một thời gian sẽ trở lại bình thường. Theo các chuyên gia chia sẻ, rối loạn kinh nguyệt là bước đi ngắn nhất đến vô sinh – hiếm muộn. Dù nữ giới bị chu kỳ kinh nguyệt bất thường do nguyên nhân nào, cũng nên sớm điều trị để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Những mối nguy hiểm tiềm ẩn của chứng rối loạn kinh nguyệt có thể gây ra cụ thể như:
- Gây thiếu máu: Sự mất máu hơn 100ml mỗi chu kỳ cũng có thể dẫn đến thiếu máu nhẹ. Gây ra một số triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, da dẻ xanh xao, có thể đột nhiên ngất xỉu. Nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu nặng gây các vấn đề về tim mạch.
- Nguy cơ gây vô sinh – hiếm muộn: Rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện của các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm vùng chậu, viêm tắc vòi trứng… Những bệnh lý này nếu không điều trị kịp thời nguy cơ cao gây vô sinh – hiếm muộn.
- Ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình: Rối loạn kinh nguyệt thường đi kèm với những khó chịu, tính tình cáu gắt, giảm ham muốn tình dục. Những điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vợ chồng bạn.
- Ảnh hưởng đến nhan sắc: Rối loạn kinh nguyệt làm cơ thể mệt mỏi, da xanh xao…trông thiếu sức sống, xuống sắc.
Khi nào bị rối loạn kinh nguyệt cần gặp bác sĩ?
Các chuyên gia khuyên bạn nếu từ 2 -3 chu kỳ liên tiếp đều bị rối loạn kinh nguyệt, bạn nên sớm đến các cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Hoặc ngay cả khi không có bất thường bạn cũng nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật, bảo vệ sức khỏe.
Khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ thăm khám tổng quan, lâm sàng và có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nội tiết tố
- Siêu âm
- Siêu âm qua đường âm đạo có truyền nước muối
- Chụp cộng hưởng từ
- Nội soi buồng tử cung, nội soi ổ bụng
- Sinh thiết nội mạc tử cung
- Nong cổ tử cung và nạo lòng tử cung
Dựa trên khám lâm sàng và kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn kinh chu kỳ kinh nguyệt. Nếu nguyên nhân do bệnh lý, bạn cần sớm điều trị để tránh biến chứng. Nếu nguyên nhân do nội tiết tố, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hỗ trợ điều hòa nội tiết và hướng dẫn cách bạn tự chăm sóc tại nhà.
Cách điều trị rối loạn kinh nguyệt hiệu quả, an toàn
Việc lựa chọn cách điều trị rối loạn kinh nguyệt còn dựa vào nhiều yếu tố. Đầu tiên là dựa vào căn nguyên gây bệnh, sau đó phụ thuộc vào ý định mang thai tiếp hay không để chỉ định những phương pháp phù hợp.
1. Thay đổi chế độ ăn uống
Bạn cần thiết lập chế độ ăn hạn chế muối, giảm tiêu thụ caffeine, đường. Hạn chế uống rượu, hoặc đồ uống có cồn trước khi tới kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể giúp bạn gái giảm được các triệu chứng đau bụng kinh, hội chứng tiền kinh nguyệt.
2. Sử dụng thuốc
Nếu trường hợp nữ giới bị thống kinh, đau bụng dữ dội, bạn có thể uống một số loại thuốc giảm đau để giảm cảm giác đau quặn bụng do kinh nguyệt.
Uống thuốc tránh thai có chứa hormone nội tiết tố để giảm bớt lượng máu kinh và điều hòa kinh nguyệt.
Tuy nhiên người bệnh nên sử dụng dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Vì lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai là nguyên nhân gây nên rối loạn kinh nguyệt.
3. Điều trị bằng phẫu thuật
Các phương pháp có thể giúp điều trị tình trạng này gồm: Nội soi tử cung, phẫu thuật mở để cắt bỏ nội mạc tử cung, cắt bỏ tử cung để điều trị bệnh lý gây rối loạn kinh nguyệt.
Tuy nhiên phương pháp phẫu thuật sẽ phải cân nhắc dựa trên bệnh lý và nhu cầu mong muốn có con của bệnh nhân.
Những thói quen sinh hoạt khoa học cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt
Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống bắt đầu khoảng 14 ngày trước chu kỳ kinh có thể giúp bạn chỉ gặp một số rối loạn kinh nguyệt nhẹ. Chế độ ăn uống lành mạnh áp dụng cho tất cả mọi người bao gồm ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả, tránh chất béo bão hòa và thức ăn nhanh.
- Hạn chế muối (natri) có thể giúp giảm đầy hơi. Hạn chế uống cà phê, đường và uống rượu cũng sẽ có ích;
- Ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu
- Tập thể dục: tập các bài tập nhẹ nhàng lưu thông máu có thể giúp giảm đau bụng kinh
- Quan hệ tình dục: Cảm giác cực khoái có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của đau bụng kinh
- Chườm nóng: Lót một miếng đệm nóng vào vùng bụng hoặc ngâm mình trong một bồn tắm nước nóng, có thể giúp làm giảm đau bụng kinh
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín, đặc biệt trong kinh nguyệt. Thay băng vệ sinh thường xuyên ít nhất 4 giờ/ lần. Tránh sử dụng băng vệ sinh có mùi thơm vì chất khử mùi có thể gây kích ứng vùng sinh dục.
Không nên thụt rửa âm đạo vì nó có thể tiêu diệt các vi khuẩn tự nhiên thường trú trong âm đạo mà chỉ cần tắm rửa thường xuyên để làm sạch.
Bài viết trên đây đã cung cấp những mọi thông tin về vấn đề rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Hi vọng có thể giúp chị em nắm rõ về vấn đề chu kỳ kinh nguyệt – cơ chế sinh lý bình thường của nữ giới. Lời khuyên cuối cùng dành cho chị em là nên thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh lý, điều trị kịp thời. Nếu bạn đọc còn bất cứ vấn đề gì về sức khỏe hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi để nhận được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, miễn phí.
Lưu ý: Nếu chưa có điều kiện thăm khám người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ qua tổng đài 24/7. Các trường hợp đã có chỉ định phẫu thuật và có nhu cầu phẫu thuật với bác sĩ giỏi, chúng tôi sẽ tư vấn và hỗ trợ để người bệnh được điều trị theo đúng mong muốn. Đội ngũ bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện công uy tín, có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.